Diễn biến Đảo_chính_Việt_Nam_Cộng_hòa_1963

Nhà thờ Cha Tam, nơi hai anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu trú ẩn trước khi bị hạ sát.

Từ tháng 7 năm 1963 đã có những tin đồn về việc sắp xảy ra đảo chính. Các tướng Trần Văn Đôn, Lê Văn KimDương Văn Minh có ý định đảo chính để chấm dứt khủng hoảng, lật đổ Chính phủ bị nhiều người xem là độc tài, gia đình trị. Theo báo cáo của CIA, đồng thời có ít nhất mười nhóm âm mưu đảo chính cùng chung mục đích kể trên của các tướng tá trẻ. Chính các nhóm này gây áp lực khiến các tướng lĩnh cấp cao phải quyết định hành động để ổn định tình hình, ngăn ngừa xảy ra những cuộc đảo chính của các nhóm khác có thể đưa miền Nam vào khủng hoảng trầm trọng hơn.[30]

Để đối phó, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa ra lệnh thuyên chuyển các tướng lãnh Tư lệnh các Vùng chiến thuật. Tướng Tôn Thất Đính từ Vùng II chuyển về Vùng III. Tướng Huỳnh Văn Cao được đưa về Vùng IV. Tướng Nguyễn Khánh được đưa ra Vùng II, tướng Đỗ Cao Trí được đưa ra Vùng I. Những tướng bị nghi ngờ thì được triệu về Sài Gòn giữ những chức vụ không có quân trong tay. Tướng Trần Văn Đôn làm cố vấn quân sự cho Phủ Tổng thống. Hai lực lượng hùng hậu nhất mà chính quyền tin cậy là Lực lượng Đặc biệt do Đại tá Lê Quang Tung làm Tư lệnh và Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Tổng thống Phủ do Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi làm Tư lệnh, được bố phòng chặt chẽ nhằm sẵn sàng đối phó.[30]

Ngày 23 tháng 8 năm 1963, tướng Lê Văn Kim cho Rufus Phillips, Giám đốc Ủy ban Hoa Kỳ về Phát triển Nông thôn, biết có 1.426 tu sĩ Phật giáo bị bắt. Tất cả chất nổ và vũ khí tìm thấy trong các chùa là được gài vào. Dân chúng tin rằng Quân lực Việt Nam Cộng hòa đang giữ trách nhiệm đàn áp Phật tử và đang chuyển dư luận sang chống đối quân đội trong khi quân đội chỉ hành động như con rối trong tay Cố vấn Ngô Đình Nhu, người đã lừa gạt quân đội trong việc ban hành thiết quân luật. Các lãnh đạo quân đội như tướng Tôn Thất ĐínhTrần Văn Đôn, không biết gì về các kế hoạch tấn công chùa Xá Lợi và các chùa khác. Chiến dịch đó thực hiện bởi Lực lượng Đặc biệt của Đại tá Lê Quang Tung và Cảnh sát Dã chiến theo lệnh bí mật của ông Nhu. Ngô Đình Nhu hiện nắm quyền kiểm soát, và tướng Đôn đang nhận lệnh trực tiếp từ ông ta. Nếu tình hình này không sửa chữa và nếu dân chúng không được biết sự thật, quân đội sẽ bị tê liệt một cách nghiêm trọng trong cuộc chiến chống Cộng.[31]

Chuẩn bị

Bùi Diễm đã viết trong hồi ký của mình rằng: tướng Lê Văn Kim đã yêu cầu hỗ trợ nhằm thực hiện điều mà chính phủ Hoa Kỳ muốn làm với chính quyền của Ngô Đình Diệm (tức gạt bỏ chính quyền của Ngô Đình Diệm).[32] Diễm đã liên lạc với cả đại sứ và các nhà báo thạo tin của Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam, như David Halberstam (New York Times), Neil Sheehan (United Press International) và Malcolm Browne (Associated Press).[33]

Henry Cabot Lodge, Jr. đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Cộng hòa sau khi biết về âm mưu đảo chính, được lên kế hoạch bởi các tướng lĩnh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa do tướng Dương Văn Minh cầm đầu, đã báo cáo cho Tổng thống Mỹ xin ý kiến. Biên bản cuộc họp ngày 29 tháng 10 năm 1963 giữa Tổng thống Mỹ và các cố vấn cho thấy Tổng thống Mỹ sau khi họp với 15 cố vấn ngoại giao cao cấp và chuyên gia an ninh quốc gia không đưa ra được ý kiến thống nhất về vấn đề này mà để cho đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge, Jr. tùy cơ ứng biến.[34][35] Tại Washington, Ngoại trưởng Dean Rusk truyền đạt quyết định đến Đại sứ Lodge ở Sài Gòn. Lodge báo tin cho nhân viên CIA Lucien Conein.[36]

Lucien Conein đặc vụ của CIA trở thành đầu mối liên lạc giữa Đại sứ quán Hoa Kỳ với các tướng lĩnh đảo chính, do Trần Văn Đôn đứng đầu.[37] Ngày 3 tháng 10 năm 1963, Conein gặp tướng Minh là người nói cho ông biết ý định đảo chính và yêu cầu người Mỹ hỗ trợ nếu nó thành công.[38] Trong phim tài liệu Việt Nam: Cuộc chiến 10.000 ngày của đạo diễn Michael Maclear, nhân viên CIA Lucien Conein kể lại rằng khi được thông báo về ý định đảo chính ông ta nói: "Lệnh mà tôi nhận là thế này: Tôi phải cho tướng Minh biết rằng Chính phủ Hoa Kỳ sẽ không cản trở cuộc đảo chính của họ, và tôi đã truyền đạt điều này.".[36] Sau đó Conein bí mật gặp tướng Trần Văn Đôn để nói với ông này rằng Hoa Kỳ phản đối bất cứ hành động ám sát nào.[39] Tướng Đôn trả lời "Được rồi, nếu anh không thích điều đó chúng ta sẽ không nói về nó nữa.".[39]

Chuẩn bị cho cuộc đảo chính các tướng lĩnh tổ chức đảo chính đưa một số đơn vị quân đội trung thành với Chính phủ Ngô Đình Diệm đi hành quân ở những vùng xa Sài Gòn để các đơn vị này không thể ứng cứu khi đảo chính xảy ra. Ngày 29 tháng 10, để vô hiệu hóa Lực lượng Đặc biệt (lực lượng thiện chiến và trung thành với chế độ), tướng Tôn Thất Đính với tư cách Tư lệnh Quân đoàn III (và cũng là Tổng trấn Sài Gòn - Gia Định) ra lệnh cho các đơn vị thuộc lực lượng này di chuyển ra khỏi Sài Gòn, truy quét cộng sản ở vùng Hố Bò, Củ Chi. Sáng ngày 31 tháng 10 năm 1963, tướng Tôn Thất Đính hạ lệnh cấm trại toàn thể quân đoàn Vùng III Chiến thuật và cử Đại tá Nguyễn Hữu Có đem một đơn vị tới Bắc Mỹ Thuận tịch thu hết tất cả tàu bè để cản đường về thủ đô của bất cứ đơn vị nào của Quân đoàn IV và Vùng 4 Chiến thuật. Chiều 31 tháng 10 năm 1963, Đại tá Nguyễn Văn Thiệu, Tư lệnh Sư đoàn 5 đã dẫn 2 Trung đoàn dưới quyền cùng 1 Tiểu đoàn Pháo binh và 1 Chi đoàn Thiết giáp mượn cớ đi hành quân ở Phước Tuy nhưng lại dừng chân ở ngã ba xa lộ Biên Hòa và QL15 đi Vũng Tàu.

Như vậy các tướng lãnh đã chặn ba nẻo chính có thể tiến quân về thủ đô: con đường từ Lục tỉnh về thì do Đại tá Nguyễn Hữu Có án ngữ tại Phú Lâm. Con đường miền Tây có Thiếu tướng Mai Hữu Xuân với lực lượng của Trung tâm Huấn luyện Quang Trung án ngữ. Con đường từ miền Bắc có Đại tá Vĩnh Lộc với Chiến đoàn Vạn Kiếp án ngữ.

Vô hiệu hóa các sĩ quan trung thành với Ngô Đình Diệm

Đại tá Hồ Tấn Quyền là một trong số rất ít sĩ quan chỉ huy thật sự trung thành với Ngô Đình Diệm. Sáng ngày 1 tháng 11 năm 1963, được lệnh của các tướng lĩnh chỉ huy đảo chính loại bỏ Hồ Tấn Quyền khỏi vai trò chỉ huy Binh chủng Hải quân, Thiếu tá Trương Ngọc Lực, Chỉ huy trưởng Vùng III Sông ngòi (dư luận đánh giá là một người hiếu sát) và Đại úy Nguyễn Kim Hương Giang, Chỉ huy trưởng Giang đoàn 24 Xung phong, kiêm Chỉ huy trưởng Đoàn Giang vận đã lừa Hồ Tấn Quyền ra Thủ Đức và hạ sát ông tại rừng cao su. Vì nếu ông còn là Tư lệnh, ông sẽ chỉ huy Hải quân ứng cứu Ngô Đình Diệm, như vậy có thể khiến cuộc đảo chính sẽ đi đến chỗ thất bại.

Cũng trong sáng ngày 1 tháng 11, Trung tướng Trần Văn Đôn triệu tập các cấp chỉ huy của một các đơn vị quân đội đồn trú tại Sài Gòn và các vùng phụ cận mà ông nghi ngờ trung thành với Tổng thống Ngô Đình Diệm về cầm chân ở Bộ Tổng tham mưu. Khi Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi, Tư lệnh Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống đến họp ở Bộ Tổng tham mưu thì ông bị còng tay với nhiều sĩ quan cao cấp khác[40] như Trung tá Nguyễn Văn Thiện, Chỉ huy trưởng Binh chủng Thiết giáp và Đại tá Trần Văn Trung, Tùy viên Quân sự ở Pháp mới về nước...

Lúc 1h30 trưa ngày 1 tháng 11 năm 1963, điệp viên CIA Lucien Conein vào bộ Tổng Tham mưu, mang theo một máy truyền tin đặc biệt để liên lạc với Tòa Đại sứ Mỹ và một bao tiền là ba triệu bạc Việt Nam[41] để hỗ trợ cho việc thực hiện đảo chính với lời hứa rằng Hoa Kỳ sẽ không làm bất cứ điều gì để bảo vệ Ngô Đình Diệm.[42]. Theo Việt Nam nhân chứng của Trần Văn Đôn thì số tiền này được chia cho Dương Văn Minh, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính, Nguyễn Hữu Có, Đỗ Cao Trí, Nguyễn Khánh, Trần Ngọc TámLê Nguyên Khang. Ngay sau đó, tướng Dương Văn Minh đề nghị tất cả tướng lãnh tham dự vào cuộc đảo chính.

Hầu hết các tướng lĩnh đều hưởng ứng, trừ 5 người đứng dậy phản đối. Đại tá Cao Văn Viên từ chối tham gia, nhưng khi thấy không có nhiều người hưởng ứng mình thì ông nói là sẽ không chống lại đảo chính, rồi lại ngồi xuống[43] 4 người khác phản đối gồm có Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi - Tư lệnh Liên binh Phòng vệ Phủ tổng thống; Thiếu tá Nguyễn Đức Xích, Tỉnh trưởng Gia Định; Đại tá Lê Quang Tung, Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt và Đại tá Huỳnh Hữu Hiền, ở Không quân.[44] Các ông bị bắt ngay sau đó và bị Đại úy Nguyễn Văn Nhung, sĩ quan tùy viên của tướng Dương Văn Minh, đưa sang tạm giam trong phòng "cô lập các sĩ quan chống đối". Đêm đó, Nguyễn Văn Nhung đem Đại tá Tung và em trai là Thiếu tá Lê Quang Triệu, Tham mưu trưởng Lực lượng Đặc biệt ra Nghĩa trang Bắc Việt Tương tế ở sau doanh trại của Bộ Tổng tham mưu. Nhung cùng 1 một quân cảnh khác dùng lưỡi lê đâm tới tấp anh em Tung - Triệu cho đến chết. Khi cả hai anh em Tung - Triệu đã chết hẳn, Nhung ra lệnh vùi xác cả hai vào một đống cỏ rác.[45]

Tại Vùng IV Chiến thuật, tướng Huỳnh Văn Cao lúc đầu nhất định không theo đảo chính. Ông đã cố gắng để liên lạc với Đại tá Bùi Dzinh Tư lệnh Sư đoàn 9 đóng ở Sa Đéc và Đại tá Bùi Đình Đạm Tư lệnh Sư đoàn 7 đóng ở Mỹ Tho đem quân về, nhưng Sư đoàn 7 thì bị Đại tá Nguyễn Hữu Có đem công điện của Trung tướng Đôn về đoạt quyền Tư lệnh của đại tá Đạm. Kế tiếp ông Có đã đem quân Sư đoàn 7 ra chặn ở ngã ba Trung Lương và cho rút hết các chiếc phà Mỹ Thuận để ngăn chặn Sư đoàn 9 vượt sông Tiền Giang.[40] Sau đảo chính, Huỳnh Văn Cao chỉ được giao các chức vụ không quan trọng, rồi phải giải ngũ vào năm 1966.

Cao điểm

Lúc 12 giờ 10, tại Dinh Gia Long, khi Tổng thống Ngô Đình Diệm được tin báo về cuộc đảo chính ông và Cố vấn Ngô Đình Nhu di chuyển xuống hầm bí mật đào dưới dinh Gia Long. Hầm này có phòng ngủ, phòng tắm và phòng khách cho Tổng thống và Cố vấn, và có địa đạo dẫn ra ngoài dinh.[46] Tại đây ông ra lệnh cho các sĩ quan cận vệ liên lạc với các tướng Trần Thiện Khiêm, Tôn Thất Đính yêu cầu đến ứng cứu.[47]

Vào 1 giờ 30 chiều ngày 1 tháng 11 năm 1963, tướng Mai Hữu Xuân kiểm soát được đơn vị của Lực lượng Đặc biệt đóng tại Tân Sơn Nhất, đồng thời tướng Xuân cũng đưa tân binh quân dịch ở Trung tâm Huấn luyện Quang Trung về chặn các ngả đường tiến vào Sài Gòn. Trung tá Nguyễn Cao Kỳ nắm quyền Tư lệnh Không quân (Đại tá Huỳnh Hữu Hiền, Tư lệnh Không quân đang bị giam tại Bộ Tổng tham mưu) cho phi cơ phóng pháo bay lượn trên không phận Sài Gòn để uy hiếp các lực lượng chống đảo chính.[48] Thiếu tá Nguyễn Bá Liên (cháu của Đại tá Đỗ Mậu, Giám đốc Nha An ninh quân đội), Tham mưu trưởng Lữ đoàn Thủy quân lục chiến ra lệnh cho 2 Tiểu đoàn dưới quyền vờ đi hành quân ở núi Thị Vải, Bà Rịa rồi bất ngờ chuyển hướng về Sài Gòn chiếm Tổng nha Cảnh sát, Bộ Nội vụ, Nha Truyền tin. Quân đảo chính do Đại tá Phạm Ngọc Thảo sau hai lần tấn công đã chiếm được Đài Phát thanh Sài Gòn. Sau khi chiếm Đài Phát thanh, quân đảo chính thông báo danh sách những tướng lĩnh tham gia đảo chính, hầu hết các tướng lĩnh đều có trong danh sách này ngoại trừ: Tư lệnh các Quân đoàn II, Quân đoàn I và Quân đoàn IV. Quân đảo chính cũng phát lời hiệu triệu đại ý gồm có lời tuyên bố lý do quân đội phải đứng lên lật đổ chế độ, lời kêu gọi ông Diệm đầu hàng, lời hứa sẵn sàng để cho ông Diệm xuất ngoại và lời hiệu triệu quốc dân đồng bào đoàn kết làm hậu thuẫn cho cuộc đảo chính.[48]

Được sự đồng ý của Tổng thống Ngô Đình Diệm, Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống cử 1 Đại đội có thiết giáp yểm trợ, để tái chiếm Đài Phát thanh, nhưng nỗ lực này không thành công. Trong thành Cộng Hòa, Lữ đoàn Phòng vệ Tổng thống phủ dùng đại bác và đại liên chống trả[49] cho đến rạng sáng ngày 2 tháng 11 thì lực lượng này buông súng theo lệnh của Tổng thống Diệm, để Đại tá Nguyễn Văn Thiệu đem 1 Trung đội vào tiếp thu.

Ngô Đình Diệm liên lạc với phe đảo chính và Đại sứ Mỹ

Lúc đầu, ông Diệm vẫn hy vọng rằng cuối cùng cuộc phản loạn này cũng kết thúc như cuộc đảo chính bất thành ngày 11 tháng 11 năm 1960. Ông đã chủ động gọi tướng Trần Văn Đôn.[50] Tướng Đôn tuyên bố với Ngô Đình Diệm phe đảo chính hành động để "đáp lại nguyện vọng của nhân dân" vì các tướng lĩnh đã đề nghị Ngô Đình Diệm "cải cách chính sách theo nguyện vọng của nhân dân" nhiều lần nhưng không được đáp ứng. Ngô Đình Diệm đề nghị đối thoại với các tướng lĩnh để "tìm ra con đường củng cố lại chế độ". Tướng Đôn trả lời sẽ bàn bạc với các tướng lĩnh khác về đề nghị của Tổng thống Ngô Đình Diệm.[51]

Cuộc gọi điện giữa ông Diệm và tướng Đôn được Lý Quí Chung kể lại trong Hồi ký không tên như sau:

Ông Diệm:Tướng lãnh các anh đang làm gì vậy?Tướng Đôn:Thưa cụ, chúng tôi đã đề nghị với cụ nhiều lần rằng cụ cần cải cách chính sách theo nguyện vọng của nhân dân. Bây giờ đã đến lúc quân đội phải đáp lại nguyện vọng của nhân dân. Mong cụ hiểu chúng tôi.Ông Diệm:Tại sao chúng ta không ngồi lại với nhau nói chuyện? Chúng ta sẽ bàn về cái mạnh và cái yếu của chế độ, và tìm ra con đường củng cố lại chế độ.Tướng Đôn:Có lẽ đã quá trễ để bàn luận việc đó, thưa cụ.Ông Diệm:Chưa bao giờ là trễ, do đó tôi mời tất cả các anh đến dinh cùng bàn vấn đề, vạch ra một giải pháp được cả đôi bên chấp nhận.Tướng Đôn:Thưa cụ, tôi phải hỏi lại ý kiến những người khác xem sao.

Vào lúc 4 giờ 30 chiều 1 tháng 11 năm 1963, ông Diệm gọi điện thoại cho đại sứ Mỹ Cabot Lodge để thăm dò thái độ của người Mỹ về việc các tướng lĩnh dưới quyền tổ chức đảo chính. Ông đề nghị sẽ thực hiện các yêu cầu của người Mỹ. Cabot Lodge khuyên Ngô Đình Diệm từ chức và lưu vong như mong muốn của phe đảo chính để bảo toàn tính mạng. Tổng thống Ngô Đình Diệm nhận thức rằng người Mỹ đã bật đèn xanh với âm mưu đảo chính của các tướng lĩnh.[52]

"Tại Sài Gòn này có một số tướng lĩnh quân đội không muốn phục tùng sự điều hành, chỉ huy của chính phủ" - Ngô Đình Diệm thử thăm dò."Tôi rất muốn biết thái độ của người Mỹ các ngài nhận định về việc này như thế nào?"."Xin lỗi, từ trước tới nay, tôi chưa từng nghe nói về tin tức có liên quan tới đảo chính!" - Lodge giả vờ ngây ngô để tìm cách thoái thác. "Vả lại, hiện đang là 4 giờ 30 phút sáng tại miền Đông nước Mỹ, Washington không thể ngay lập tức trả lời ngài được"."Nhưng về phía ngài chí ít cũng có cách nhìn khái quát chứ ạ! Tôi hiện tại chỉ mong được làm theo mọi yêu cầu của người Mỹ các ngài và sẽ cố gắng hết mức. Tôi tin rằng, nhiệm vụ mà nước Mỹ giao cho chúng tôi là tối cao..."."Đúng vậy, ngài tổng thống đã hoàn thành rất tốt sứ mệnh của mình... Nhưng điều tôi lo lắng nhất hiện nay là an toàn tính mạng của ngài. Nghe nói, nếu các ngài đồng ý chủ động từ chức, thì những kẻ chủ mưu chuyện này sẽ sẵn sàng cung cấp mọi phương tiện cho anh em ngài rời Việt Nam, không rõ ngài đã nhận được tin này chưa?".

Đến 6 giờ 30 cùng ngày, ông Diệm gọi lại tướng Đôn, nhưng được tướng Đôn thông báo sự khước từ của phe đảo chính. Họ đòi hỏi hai anh em ông Diệm phải rời khỏi nước. Ông Diệm đồng ý nhưng đặt một điều kiện: phe đảo chính phải chấp nhận cho ông các nghi thức danh dự ra đi của một tổng thống nhưng bị từ chối.[52]

Ông Diệm:Tôi là một tổng thống dân cử của quốc gia. Tôi sẵn sàng từ chức công khai, và tôi cũng sẵn sàng rời khỏi nước. Nhưng tôi yêu cầu các ông dành cho tôi các nghi thức danh dự ra đi của một tổng thống.Tướng Đôn: (Suy nghĩ một lúc)Thật sự, tôi phải nói rằng chúng tôi không thể thỏa mãn yêu cầu của cụ về điểm này.Ông Diệm:Thôi được. Cảm ơn.

Anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị giết

Thi hài Ngô Đình Diệm sau khi bị hạ sát.Một sỹ quan đảo chính tươi cười chụp ảnh bên xác Ngô Đình Diệm

Qua đài phát thanh, khi biết các tướng Trần Thiện Khiêm, Tôn Thất Đính đều tham gia phe đảo chính, 8h tối ngày 1 tháng 11, Tổng thống Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu cùng 2 sĩ quan tùy viên (Đại úy Đỗ Thọ và Đại úy Bằng) trốn về nhà Mã Tuyên, Tổng bang trưởng của người Hoa và cũng là Thủ lĩnh Thanh niên Cộng hòa ở Chợ Lớn.[53] Sáng sớm ngày 2 tháng 11, từ nhà Mã Tuyên hai ông sang dự lễ và cầu nguyện tại nhà thờ Cha Tam. Tại đây Tổng thống Diệm ra lệnh Đại úy tùy viên Đỗ Thọ lấy điện thoại Nhà xứ gọi về Tổng tham mưu thông báo là hiện Tổng thống đang ở Nhà thờ Cha Tam Chợ Lớn.[54]

Vào khoảng 7h sáng ngày 2 tháng 11, một phái đoàn gồm có 3 chiếc xe Jeep, hai chiếc Thiết giáp M113, 2 chiếc GMC chở đầy lính vũ trang và các nhân vật: tướng Mai Hữu Xuân, Đại tá Dương Ngọc Lắm, Đại tá Nguyễn Văn Quan, Đại úy Nguyễn Văn Nhung và Đại úy Dương Hiếu Nghĩa, Đại úy Phan Hòa Hiệp[55] được đưa tới nhà thờ cha Tam để đón hai ông. Đại tá Lắm tuyên bố thừa lệnh Trung tướng Chủ tịch Hội đồng Quân Nhân Cách mạng ép hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu lên xe Thiết giáp M.113.

Đại tá Lắm đến chào Ngô Đình Diệm:Thừa lệnh Trung tướng Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng, chúng tôi đến đón Cụ và ông Cố vấn.Ngô Đình Diệm bèn hỏi:Ông Đôn và ông Minh đâu hè?Đại tá Lắm đáp:Thưa Cụ, hai ông còn đang bận việc ở Tổng tham mưu.Ngô Đình Diệm nói:Thôi được. Thế tôi và ông Cố vấn đi cùng xe kia với ông.Đại tá Lắm quay người lại chỉ vào chiếc M.113 và nói:Thưa Cụ, xin Cụ lên xe này cho.Ngô Đình Nhu khẽ nhíu mày lên tiếng:Không thể đón Tổng thống bằng một chiếc xe như vậy. Để tôi liên lạc với ông Đôn, ông Đính coi xem.Đại tá Lắm khẽ nhún vai:Tôi không biết. Đây là lệnh của Trung tướng Chủ tịch.Đại úy Nhung liền oang oang:Xin mời hai ông lên xe ngay cho đi.Mặt Cố vấn Ngô Đình Nhu đỏ bừng, giọng rất quyết liệt:Không được. Để tôi hỏi lại ông Minh, ông Đôn. Tôi đi xe nào cũng được, nhưng còn Tổng thống...Đại úy Nhung:Ở đây không còn Tổng thống nào cả.

Ngay lập tức, viên Đại uý này bảo hai quân nhân chạy đến đẩy hai ông lên xe và kéo cửa lên...[55]

Trên đường về bộ Tổng tham mưu, Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu bị hạ sát. Thi hài của hai ông được đưa vào bệnh xá của Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa để khám nghiệm. Theo chứng nhận của bác sĩ Huỳnh Văn Hưỡn, Giám đốc bệnh xá và cũng là người đã tiến hành vụ khám nghiệm thì hai ông Diệm, Nhu bị bắn từ sau gáy ra phía trước. Xác Tổng thống Ngô Đình Diệm có nhiều vết bầm, chứng tỏ đã bị đánh đập trước khi bắn. Xác Ngô Đình Nhu bị đâm nhiều nhát, áo rách nát và đầy máu.

Khoảng 10 giờ ngày 2 tháng 11, Đài phát thanh Sài Gòn loan một tin vắn tắt: "Anh em ông Diệm bị bắt tại Chợ Lớn, và đã tự tử!" Dư luận không tin là anh em ông Diệm tự sát. Vì ai cũng biết: Cố Tổng thống Diệm là một người ngoan đạo, mà đạo Thiên Chúa cấm tự sát.[56]

Thi hài anh em Tổng thống Diệm được âm thầm an táng trong vòng thành Bộ Tổng tham mưu (về sau thì di dời ra Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi) với sự hiện diện của người cháu gái và làm thủ tục khai tử tại quận Tân Bình. Về nghề nghiệp của Tổng thống Ngô Đình Diệm được ghi là Tuần Vũ và ông Nhu là Quản thủ Thư viện.[56]

Ngô Đình Cẩn bị bắt và bị giết

Vợ Ngô Đình NhuTrần Lệ Xuân khi xây tượng Hai Bà Trưng năm 1962 đã cho tạc tượng có khuôn mặt phỏng theo bà. Trong đảo chính năm 1963, người dân kéo tới chặt đầu bức tượng, cho lên xe diễu hành khắp Sài Gòn.

Chiều ngày 3 tháng 11 năm 1963, tướng Đỗ Cao Trí ra Huế và đi thẳng đến nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế gặp Ngô Đình Cẩn. Theo tư liệu và hồi ức của Trịnh Quốc ThiênNguyễn Văn Minh, tướng Trí nói với Ngô Đình Cẩn rằng Hội đồng Quân nhân Cách mạng ủy nhiệm ông này đến thông báo rằng cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu là "tai nạn ngoài ý muốn" của các tướng lãnh đồng thời chuyển lời của Hội đồng Quân nhân Cách mạng mời Ngô Đình Cẩn tham gia Hội đồng.[57] Tướng Đỗ Cao Trí cũng thông báo với Ngô Đình Cẩn rằng Hội đồng Quân nhân Cách mạng sẽ tịch thu tài sản của ông này và đề nghị giữ dùm tài sản của Ngô Đình Cẩn. Ngô Đình Cẩn đã trao 24 kg vàng cho tướng Đỗ Cao Trí cùng một số đồ quý giá và tiền mặt.[57]

Sau đó linh mục Nguyễn Văn Thuận và các linh mục dòng Chúa Cứu Thế đến Tòa lãnh sự Mỹ tại Huế xin cho Ngô Đình Cẩn tỵ nạn chính trị. Tòa đại sứ Mỹ chấp thuận. Trong lúc chưa cứu xét về trường hợp tỵ nạn của Ngô Đình Cẩn xong, ông này lại đòi Mỹ cho phép mẹ là bà Phạm Thị Thân cùng tỵ nạn với ông. Bộ Ngoại giao Mỹ phải ra chỉ thị cho Lãnh sự quán của họ ở Huế hủy bỏ quyết định cho phép Ngô Đình Cẩn tỵ nạn tại Mỹ.[57]

Khi biết tin Ngô Đình Cẩn đang tỵ nạn tại Lãnh sự quán Hoa Kỳ, tướng Đỗ Cao Trí đến Tòa lãnh sự Mỹ cảnh báo cơ quan này đừng chứa chấp ông Cẩn vì dân chúng Huế sẽ tràn vào phá Tòa lãnh sự và hành hung ông Cẩn thì không có lực lượng nào giữ được an ninh. Tòa lãnh sự Mỹ quyết định trao trả Ngô Đình Cẩn cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa.[57] Sáng ngày 5 tháng 11 năm 1963, tướng Đỗ Cao Trí cùng với một sĩ quan Mỹ và sĩ quan Việt Nam Cộng hòa đưa Ngô Đình Cẩn và mẹ ông này lên máy bay đi Sài Gòn theo lệnh của Hội đồng Quân nhân Cách mạng.[57] Ngô Đình Cẩn bị giam tại khám Chí Hòa. Luật sư bào chữa cho ông là Võ Văn Quan. Trong thời gian bị biệt giam tại đây, sức khỏe của ông giảm sút trầm trọng đến nỗi không đi được.

Ngô Đình Cẩn bị kết án tử hình ngày 22 tháng 4 và đem ra bắn lúc 18 giờ 20 phút ngày 9 tháng 5 năm 1964. Với việc xử tử Ngô Đình Cẩn, coi như toàn bộ các nhân vật chủ chốt của gia đình họ Ngô đã bị giết trong cuộc đảo chính (chỉ trừ vợ Ngô Đình Nhu là Trần Lệ Xuân và người anh Ngô Đình Thục thoát nạn do đang ở nước ngoài).

Ông được chôn cất tại nghĩa trang Bắc Việt Tương Tế, gần sân bay Tân Sơn Nhất, về sau quy tụ về nghĩa trang Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương), nằm chung với hai anh Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và mẹ Phạm Thị Thân.

Phản ứng của những người có liên quan

4 giờ chiều ngày 2 tháng 11 năm 1963, khi được thông báo anh em Tổng thống Diệm đã bị giết, Đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge, đã vui vẻ thốt lên bằng tiếng Pháp: "C’est formidable! C’est formidable!" (Thật là tuyệt diệu. Tuyệt diệu).[58]

Tuy nhiên không phải ai cũng vui như thế. Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ (thời điểm này là Trung tá) cũng như nhiều người khác cảm thấy bất nhẫn khi nghe tin hai ông Diệm Nhu bị thảm sát, ông Kỳ viết: "I was shocked and angry, however, the next day when I learned that Diem and Nhu had been shot to death … But killing him was not necessary, and if I had known that murder had been on the conspirators’ agenda...It was too late to go back, but with these killings I lost what little respect I once had for generals. It showed how fearful they were of maintaining power" ("Tôi đã rất sốc và buồn bực, nhưng ngày hôm sau tôi biết rằng Diệm và Nhu đã bị bắn mà chết... Nhưng giết ông ấy là không cần thiết, và nếu tôi biết rằng vụ sát nhân đã được chuẩn bị trong âm mưu nghị sự...Thật là quá trễ để quay đầu, nhưng với chuyện sát nhân này tôi đã mất đi sự tôn trọng nhỏ mà tôi đã từng có với các tướng. Nó cho thấy sự đáng sợ thế nào trong cách mà họ duy trì quyền lực").[59]

Theo đại tướng Maxwell Taylor - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ - John F. Kennedy luôn kiên trì chủ trương trục xuất Ngô Đình Diệm ra khỏi Việt Nam là đủ rồi và đã dặn dò đảo chính "Chớ nên đổ máu!" nhưng sự thực xảy ra hoàn toàn trái ngược với ý nguyện của ông.[60] Khi biết Tổng thống Ngô Đình Diệm đã bị đảo chính và giết chết, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị choáng váng và ưu tư thoáng buồn.[61] Đại tướng Maxwell Taylor cho biết về thái độ của Tổng thống Hoa Kỳ sau khi nghe tin anh em Ngô Đình Diệm đã bị phe đảo chính giết chết:[36][60]

Đang ngồi, Tổng thống Kennedy cứ nhấp nhổm không yên. Sắc mặt ông trắng bệch, kinh ngạc và buồn rầu. Tôi chưa từng thấy ông gặp tình cảnh như thế này bao giờ!

— Maxwell Taylor

Nghe tin tổng thống Ngô Đình Diệm bị giết, Tổng thống Đài Loan Tưởng Giới Thạch thương tiếc nói rằng:

Người Mỹ có trách nhiệm nặng nề về vụ ám sát xấu xa nầy, Trung Hoa Dân Quốc mất đi một đồng chí tâm đầu ý hợp... Tôi khâm phục ông Diệm, Ông xứng đáng là một lãnh tụ lớn của Á Châu.

— Tưởng Giới Thạch

[62]

Cái chết của anh em Ngô Đình Diệm cũng đã làm cho các lãnh tụ Á Châu, đồng minh của Mỹ giật mình, Tổng thống Hồi Quốc (Pakistan), Ayub Khan, đã nói với Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon:

Cuộc thảm sát Tổng thống Ngô Đình Diệm đã khiến các lãnh tụ Á Châu chúng tôi rút ra được một bài học khá chua chát: Đồng Minh với Mỹ thật nguy hiểm! Có lợi hơn nên đứng thế trung lập. Và có lẽ hữu ích hơn nữa khi là kẻ thù của Hoa Kỳ.

— Tổng thống Ayub Khan[63]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đảo_chính_Việt_Nam_Cộng_hòa_1963 http://www.historynet.com/the-assassination-of-ngo... http://motgoctroi.com/StLichsu/LSCandai/NgoDinhDie... http://nguoitinhuu.com/htvd/cottngodinhdiem.html http://www.quangduc.com/lichsu/17vnpgsuluan3-40.ht... http://tusachtonghop.com/nhung-bi-an-lich-su-ve-cu... http://www.youtube.com/watch?v=GC-qkRrgrnA http://www.youtube.com/watch?v=b_z34bsJgW4 http://www2.gwu.edu/~nsarchiv/NSAEBB/NSAEBB101/vn1... http://history.state.gov/historicaldocuments/frus1... http://history.state.gov/historicaldocuments/frus1...